Bệnh Tay - Chân - Miệng và cách phòng bệnh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Bệnh Tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh gặp rải rác quanh năm, mùa tựu trường là thời điểm cao điểm của dịch bệnh tay- chân- miệng.

Bệnh Tay- chân- miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh. Bệnh tay- chân- miệng lây truyền qua đường tiêu hóa: thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người – người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Do đó người lớn khi chăm sóc trẻ vẫn bị nhiễm bệnh nếu không được chú ý phòng ngừa.

Biểu hiện khi trẻ bị mắc bệnh Tay- chân- miệng: Thường là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Vết loét trong niêm mạc miệng gây tăng tiết nước bọt, gây đau khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.

Description: D:\Năm 2023\Anh\Tay chân miệng\1.jpg

Biểu hiện của bệnh Tay - chân - Miệng

Khi trẻ bị bệnh Tay- chân- miệng cần chăm sóc đúng cách để không làm bệnh nặng hơn: Theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trở nặng để khám lại ngay: Giật mình chới với từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa. Run chân, tay; Đi loạng choạng; Thở khác thường; Sốt cao liên tục, không hạ bằng thuốc hạ sốt thông thường; Trẻ nôn nhiều.

Dùng thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ; nếu trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ; Giữ vệ sinh răng miệng; Nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8 ngày. Nghỉ học, tránh tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 10 ngày.

Các biện pháp phòng bệnh Tay - chân - Miệng

Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Để phòng bệnh Tay chân miệng cần thực hiện đủ 3 nguyên tắc đó là ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể như sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ  ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

 

                                                                                          BS. Vương Thái

 

 

 

User Online:3427

Total visited: 27446500