DINH DƯỠNG VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA LỨA TUỔI HỌC ĐƯỜNG

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Tuổi học đường trải qua 2 giai đoạn trong quá trình phát triển thể lực là giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn vị thành niên. Giai đoạn này cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng để dự trữ, chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển, chuẩn bị về dinh dưỡng cho cuộc sống trưởng thành, khỏe mạnh.

          Đối với trẻ trên 3 tuổi: Nhu cầu dinh dưỡng đối với trẻ rất cao; thức ăn giàu chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng quan trọng đối với trẻ, cho nên cần quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng đảm bảo cho trẻ được ăn đầy đủ các chất giàu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thành phần thức ăn trú trọng vào các thức ăn có nhiều chất xây dựng cơ thể như chất đạm, chất béo...Chất đạm động vật có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa; đạm từ nguồn động vật quý vì có nhiều acid amin không thay thế (cơ thể không tự sản xuất được). Cần bổ sung thêm nguồn đạm có nguồn gốc thực vật như lạc, vừng, đậu, đỗ. Riêng chất đạm của đậu tương tuy là nguồn thực vật nhưng có đủ acid amin không thay thế rất cao.

          Chất béo cũng là nguồn cung cấp năng lượng, chất béo động vật có nhiều trong mỡ động vật. Ngoài ra cần bổ sung thêm các chất béo từ dầu, mỡ, bơ; các vitamin A,B,C,D có nguồn gốc thực vật như rau quả, đặc biệt các loại rau, quả có màu xanh sẫm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, các loại quả có màu đỏ như quả hồng, xoài, cam, chuối... hàm lượng vitamin rất cao.

          Với những trẻ bị ốm phải cố gắng dỗ cho trẻ ăn mặc dù nó không thấy thèm ăn, ăn không ngon miệng. Chuẩn bị cho trẻ ốm những thức ăn dễ tiêu hóa dưới dạng cháo, súp, nước hoa quả. Sau khi trẻ khỏi ốm chú ý chăm sóc, cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn nhiều hơn bình thường để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng bù của trẻ. Các thói quen ăn uống được hình thành rất sớm nên chúng ta cần giáo dục các thói quen về vệ sinh ăn uống sớm cho trẻ.

Cân, đo đáng giá dinh dưỡng lứa tuổi học đường

          Ở tuổi thiếu niên/vị thành niên: Ở lứa tuổi này nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng rất cần thiết để cơ thể phát triển nhanh, đáp ứng với tốc độ phát triển của lứa tuổi dậy thì. Thời kỳ này nhu cầu năng lượng đối với cơ thể trẻ rất cao, cần cho trẻ ăn đủ no. Chất đạm đặc biệt quan trọng nên cần được đáp ứng đầy đủ đảm bảo để trẻ lớn và phát triển bình thường. Bổ sung can xi qua nguồn thực phẩm giàu can xi như cua, tôm, cá, ngao, sò...vi chất dinh dưỡng, chất khoáng cũng là yếu tố quan trọng như tham gia vào quá trình tạo hình (tổ chức xương), duy trì cân bằng toan, kiềm, tham gia vào quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể. Nguồn chất khoáng chủ yếu là các thực phẩm nguồn gốc thực vật như rau, quả, sữa và các chế phẩm của sữa.

          Tuổi thanh thiếu niên cần tăng cường hoạt động thể lực, tập luyện, vui chơi ở ngoài trời để kích thích cơ thể phát triển, tổ chức xương cứng cáp, hoàn chỉnh các hoạt động của hệ tuần hoàn, hô hấp, vận động. Trẻ em hoạt động nhiều sẽ có sức khỏe, khéo léo, nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát, không ngại việc và học tập tốt.

Tập luyện thể dục giữa giờ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Yên Thế

          Giai đoạn tuổi dậy thì: Cần đặc biệt quan tâm tới trẻ em gái. Các em có yêu cầu được nuôi dưỡng tốt để phát triển trong hiện tại và cũng để chuẩn bị làm mẹ. Kết quả  khảo sát từ Viện Dinh dưỡng cho thấy nữ thanh thiếu niên nước ta có tỷ lệ thiếu máu, thiếu can xi khá cao, đó là những vấn đề thường gặp; do đó đối với nữ ở tuổi bắt đầu dậy thì phải được tăng cường can xi và sắt trong khẩu phần ăn, hoặc được bổ sung viên sắt/ đa vi chất dinh dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Sự tăng trưởng và phát triển trong những năm đầu đời diễn ra khá nhanh. Quá trình tăng trưởng để từ một đứa trẻ trở thành người trưởng thành có nhiều thay đổi đó là giai đoạn vị thành niên. Vị thành niên không phải là trẻ con nhưng cũng chưa phải người trưởng thành. Đó là giai đoạn thay đổi lớn: thay đổi cả về tầm vóc, thể lực, sự hoàn thiện về giới tính nhưng lại xảy ra trong thời gian khá ngắn; đòi hỏi sự cung cấp các chất dinh dưỡng, năng lượng cao. Ngoài việc chăm lo việc học hành cho trẻ cần lưu ý chăm sóc đầy đủ cho trẻ về dinh dưỡng, kết hợp với giáo dục giới tính, tâm sinh lý để trẻ quen dần, đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của cơ thể. Thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích học tập của trẻ mà còn gây giảm năng suất lao động khi trưởng thành./.

BS Dương Thị Hương Lan

        PTK YTCC&ATTP/TTYT huyện Yên Thế

(Bài viết có tham khảo 1 số tài liệu của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia,

tài liệu của GS Hà Huy Khôi- GS Lê Thị Hợp nguyên Viện trưởng VDD)

    

 

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:1339

Số lượt truy cập: 27125827